Nội dung

Sáng tạo nội dung dựa trên tháp nhu cầu Maslow

Tháp nhu cầu Maslow “Pyramid of Needs” đã khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là mô hình mô tả nhu cầu con người theo thứ tự phân cấp từ nhu cầu cơ bản nhất đến các nhu cầu tinh thần và tầm cao hơn. Tuy nhiên, với công việc của một người làm sáng tạo nội dung, bạn đã thực sự hiểu rõ mô hình này để vận dụng trong công việc của mình chưa? Hãy cùng Digifos tìm hiểu qua bài chia sẻ dưới đây nhé.

Digifos Sáng tạo nội dung dựa trên tháp nhu cầu Maslow

I. Tháp nhu cầu Maslow là gì?

Tháp nhu cầu Maslow, hay còn gọi là Maslow’s Hierarchy of Needs, là một mô hình tâm lý nổi tiếng về động cơ con người, được đặt tên theo nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow. Ông đã phát triển mô hình này và công bố nó lần đầu trong bài viết mang tiêu đề “Lý thuyết về động lực của con người” vào năm 1943. Sau đó, ông tiếp tục phát triển và trình bày mô hình này trong cuốn sách “Động lực và tính cách” của mình.

Mô hình Maslow bao gồm năm tầng, mỗi tầng tương ứng với một cấp độ khác nhau của nhu cầu con người. Mỗi tầng của kim tự tháp phản ánh sự phức tạp gia tăng khi chúng ta tiến lên từ tầng thấp nhất đến tầng cao nhất, thể hiện sự gia tăng của các nhu cầu con người.

Tầm quan trọng của kim tự tháp nhu cầu Maslow rất rộng rãi và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như quản trị nhân sự, quản lý kinh doanh, Marketing và cuộc sống hàng ngày. Mô hình này giúp chúng ta hiểu và giải thích các hành vi con người, thậm chí cả những khía cạnh mà họ không nhận thức rõ mình đang thực hiện.

II. Tuyến nội dung trong các tầng của tháp nhu cầu Maslow

Digifos sáng tạo nội dung dựa trên tháp nhu cầu maslow 1
1.Nhu cầu vật lý

Đây là nhu cầu cơ bản nhất của con người, bao gồm nhu cầu về ăn, uống, ngủ, hít thở, giải trí, đi lại… Nếu những nhu cầu này chưa được đáp ứng, thì các nhu cầu tầm cao hơn sẽ không có ý nghĩa. Nó tương tự như việc bạn thuyết phục khách hàng mua hàng trong khi họ chưa có nhận thức, hay bất kỳ thông tin gì về sản phẩm.  

Cụ thể hơn là  khi bạn viết, sáng tạo nội dung về sản phẩm, dịch vụ thì nội dung cần viết phải đáp ứng đầy đủ các thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng bạn thấy dễ hiểu nhất. Bước đầu tiên muốn gây thiện cảm với khách hàng là cung cấp đầy đủ thông tin họ cần.

Đây chính là tuyến nội dung cơ bản và phổ biến nhất mà bạn có thể được nhìn thấy trên các kênh truyền thông hiện tại. Và chính bạn cũng dễ dàng tạo ra nội dung này dựa trên các thông tin sản phẩm được liệt kê đến khách hàng.

2. Nhu cầu an toàn

Sau khi các nhu cầu vật lý được đáp ứng, con người cần cảm thấy an toàn và bảo vệ. Điều này bao gồm nhu cầu về sự ổn định, bảo vệ cá nhân, công việc,các mối quan hệ xã hội đáng tin cậy.

Tuyến nội dung thứ 2 mình đề cập liên quan đến các nội dung có giá trị, mang lại lại ích nhất định cho người đọc. Ví dụ như:

  • Cung cấp các phương pháp, giải pháp hữu ích
  • Cung cấp ưu nhược điểm của sản phẩm, dịch vụ một cách chi tiết 
  • Cung cấp các hotdeal, các chương trình khuyến mãi, mã ưu đãi hấp dẫn, quà tặng, tài liệu học thuật …

Đây có thể là một trong những tuyến nội dung mình hay sử dụng thường xuyên nhất khi tạo nội dung trong các lĩnh vực khác nhau. Vì mình muốn tạo “một giá trị cụ thể” tới người đọc, khách hàng của mình!

3. Nhu cầu xã hội

Cấp độ này liên quan đến nhu cầu xã hội, các mối quan hệ xã giao, bạn bè, tình yêu và gia đình. Con người cảm thấy hạnh phúc khi họ có thể tham gia vào cộng đồng và có mối quan hệ tích cực với người khác.

Tuyến nội dung thứ 3 bằng cách tạo sự liên kết giữa sản phẩm, dịch vụ với các khía cạnh tình bạn, tình yêu và mối quan hệ. Sử dụng câu chuyện (story telling) là cách tốt nhất để kết nối sản phẩm, dịch vụ của bạn và người đọc dễ dàng nhất.

Những yếu tố (cảm tính) là những điểm mà bạn có thể sử dụng để sáng tạo nội dung hiệu quả nhất tới khách hàng của bạn

4. Nhu cầu tôn trọng

Cấp độ này tập trung vào sự công nhận, danh tiếng, thành tựu và sự tự thể hiện. Con người cảm thấy hạnh phúc khi họ có khả năng phát triển, học hỏi, và đóng góp cho xã hội.

Tuyến nội dung dễ gây tranh cãi dạo gần đây rất có thể bạn đã nghe qua như flex thành tích, kiếm được xxx ở tuổi yyy… Bằng cách tạo nội dung nâng cao sự tự trọng và đánh giá cá nhân cao hơn bình thường.

Chính vì vậy, tuyến nội dung khi viết về sản phẩm, dịch vụ có thể đề cao thành công của cá nhân khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn, tạo lòng tin và sự công nhận bản thân. Tuy nhiên, cần chi tiết và cụ thể để tăng thực tế trong bài viết nhiều hơn.

5. Nhu cầu thể hiện

Đây là tầng cao nhất trong tháp Maslow. Nhu cầu này liên quan đến việc đạt được tiềm năng tối đa của bản thân, tạo ra những giá trị và ý nghĩa cá nhân trong cuộc sống.

Tuyến nội dung này bạn có thể viết về sự đa dạng công dụng mà sản phẩm, dịch vụ của bạn mang đến cho khách hàng thay vì những lợi ích mà khách hàng“đã ngầm biết” từ trước. Tạo nội dung đa dạng hơn bằng cách kết hợp sản phẩm, dịch vụ với nhiều concept khác nhau, lối kể chuyện, con người khác nhau thì bạn cũng đã tạo ra vô vàng nội dung dựa trên bậc nhu cầu này rồi.

III. Ý nghĩa và ứng dụng của tháp nhu cầu Maslow trong Marketing

Tháp nhu cầu Maslow đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quản trị kinh doanh và quản trị nhân sự. Trong lĩnh vực Marketing, nó cũng được coi là một công cụ hữu ích để xác định khách hàng mục tiêu và nghiên cứu hành vi của họ.

1. Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu 

Các chuyên gia Marketing đều hiểu rằng, trước khi xây dựng một chiến dịch tiếp thị hiệu quả, điều quan trọng là phải hiểu rõ đối tượng khách hàng của mình là ai. Các Marketer cần hiểu rõ những gì họ đang mong muốn và khao khát để từ đó xây dựng các chiến lược tiếp thị phù hợp và tiếp cận tốt. Điều này còn được gọi là việc nắm bắt được “Customer Insight”.

2. Định vị phân khúc khách hàng mục tiêu

Mô hình tháp nhu cầu Maslow cũng giúp bạn dễ dàng xác định và định vị các phân khúc khách hàng cho doanh nghiệp của mình. Mỗi phân khúc khách hàng sẽ có mục tiêu và nhu cầu sản phẩm riêng biệt. Do đó, để phát triển chiến lược tiếp thị hiệu quả, việc hiểu rõ rằng nhu cầu của khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp nằm ở tầng nào trong tháp Maslow là rất quan trọng.

3. Hiểu được hành vi khách hàng 

Sau khi đã xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu, bước tiếp theo quan trọng là nghiên cứu hành vi của họ. Việc này đòi hỏi bạn phải hiểu rõ rằng ở phân khúc này, những yếu tố nào sẽ có tác động lớn đến quyết định mua sắm của khách hàng. Có thể đó là sở thích cá nhân, giá cả, địa vị xã hội, tính tiện dụng, và nhiều yếu tố khác. 

Khi bạn đã nắm bắt được những điều này, việc tạo ra thông điệp tiếp thị phù hợp với nhu cầu của khách hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.

IV. Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng mô hình Maslow 

1. Nhu cầu của con người không phải lúc nào cũng “rập khuôn”

Theo mô hình tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu của con người được phát triển theo một trình tự từ tầng thấp nhất của tháp lên tới đỉnh. Tuy nhiên, Maslow cũng lưu ý rằng trình tự này không phải lúc nào cũng cố định như vậy. Thay vào đó, nó có thể thay đổi tùy theo từng người cũng như từng tình huống cụ thể.

2. Nhu cầu không phải luôn tăng theo thứ bậc 

Mô hình tháp nhu cầu Maslow cho thấy rằng nhu cầu có thể tăng theo một trình tự nhất định. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhu cầu ở tầng cao hơn có thể bị gián đoạn do nhu cầu ở tầng thấp hơn chưa được đáp ứng hoặc đã được đáp ứng nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện không mong muốn.

3. Nhu cầu cũ không nhất thiết phải đáp ứng 100% thì nhu cầu mới mới xuất hiện

Theo quan điểm của Maslow, để xuất hiện một nhu cầu mới, không nhất thiết phải thỏa mãn một nhu cầu ở mức 100%. Điều này có nghĩa rằng khi một số nhu cầu cơ bản của con người được đáp ứng ở mức độ nào đó, họ có thể bắt đầu phát triển và chuyển sang nhu cầu mới.

Nhìn chung, mô hình Maslow giúp các doanh nghiệp phân tích và hiểu hơn về khách hàng mục tiêu của mình để từ đó lựa chọn chiến lược Marketing tiếp cận phù hợp và hiệu quả. Bên cạnh các chương trình tiếp thị, hoạt động chăm sóc khách hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi khách hàng mục tiêu sang khách hàng thực sự và tăng lượng khách hàng trung thành. 

Đặc biết, đối với những người làm sáng tạo nội dung bạn cần xác định đúng đối tượng và nhu cầu của đối tượng; hiểu về nền tảng bạn đang muốn triển khai; và tập trung sáng tạo những nội dung thật chất lượng.

Hy vọng bài viết giúp bạn được phần nào trong công việc của mình. Chúc các bạn thành công!